Pacific Airlines là cái tên quen thuộc đối với những người đi máy bay trước năm 2008 nay lại trở về như thuở ban đầu của nó sau hơn 12 năm ngừng hoạt động.
Việc Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận 30% cổ phần của Hãng hàng không Jetstar Pacific từ Tập đoàn Qantas để nắm giữ 98% của Jetstar Pacific khi tái cơ cấu hãng hàng không này được lãnh đạo hãng đánh giá là bước tiến quan trọng để phát triển.
Vietnam Airlines cho biết hãng này cùng Tập đoàn Qantas (Úc) đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với hãng hàng không Jetstar Pacific nhằm cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận của hãng hàng không chi phí thấp này.
Thời điểm Jetstar Pacific chính thức hoạt động dưới tên mới Pacific Airlines và Vietnam Airlines hoàn tất việc mua lại 30% cổ phần từ Qantas sẽ dựa theo quyết định của nhà chức trách. Nhưng ông Trịnh Hồng Quang – phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, chủ tịch Hội đồng quản trị Pacific Airlines – đã hé lộ những lý do tái cơ cấu Jetstar Pacific.
Ông Quang cho biết hiện nay các hãng hàng không giá rẻ chiếm 30-40% thị phần hàng không thế giới, tại Việt Nam, hàng không giá rẻ chiếm trên 50% thị phần. Thời gian qua, các hãng hàng không đua nhau thành lập công ty con để tham gia thị trường hàng không giá rẻ, tạo thành tập đoàn khai thác tất cả phân khúc của thị trường.
Tuy nhiên, Jetstar Pacific hiện nay có quy mô bé, mới khai thác 18 máy bay Airbus A320. Trong khi một hãng hàng không giá rẻ cần khai thác một dòng máy bay và đội bay từ 30-40 chiếc để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong khi đó, khi Qantas nắm 30% cổ phần của Jetstar Pacific lại là công ty tư nhân, Vietnam Arilines nắm cổ phần chính của Jetstar Pacific là doanh nghiệp nhà nước. Cho nên quan điểm về cách làm việc khác nhau, chưa tạo ra bước đột phá cho Jetstar Pacific.
“Jetstar Pacific phụ thuộc quá nhiều vào Qantas khi hệ thống đặt vé giữ chỗ của hãng này là hệ thống quan trọng nhất của một hãng hàng không lại đặt ở Melbourne (Úc). Do đó, người điều hành hệ thống bán vé đặt chỗ không hiểu được nhịp thở của thị trường nội địa của Việt Nam đang rất quan trọng đối với Jetstar Pacific” – ông Quang cho biết thêm lý do.
Để tránh tình trạng này, Pacific Airlines cũng sẽ chuyển đổi hệ thống đặt chỗ từ Navitaire của Qantas đang sử dụng sang Sabre – là hệ thống Vietnam Airlines đang vận hành để đồng bộ hoá mạng bay, các thủ tục đặt chỗ và tính năng dành cho khách hàng với Vietnam Airlines.
Khi đó, Jetstar Pacific sẽ phối hợp với Vietnam Airlines để tổ chức bán vé với hệ thống bán vé sâu rộng trong nước và quốc tế để sản phẩm của Jetstar Pacific được bán cả ở thị trường quốc tế nhằm đảm bảo doanh thu cao nhất cho Jetstar Pacific.
Ông Quang cho biết thêm: sau một thời gian cộng tác, cả Qantas và Vietnam Airlines đều thống nhất tái cơ cấu cổ đông ở thời điểm này là thích hợp. Qantas sẵn sàng để Vietnam Airlines nắm giữ cổ phần của họ tại Jetstar Pacific. Khi Qantas rút thì Vietnam Arilines sẽ nắm 98% cổ phần của Jetstar Pacific để có được cơ hội để tái cơ cấu như mình mong muốn.
Tuy nhiên, việc Vietnam Airlines đàm phán mua lại 30% cổ phần mà Qantas nắm giữ tại Jetstar Pacific vẫn còn có các thủ tục cần Chính phủ giải quyết nên chưa xác định thời điểm hoàn thành.
Sau khi Vietnam Airlines nắm 98% cổ phần Jetstar Pacific, Jetstar Pacific sẽ là một công ty độc lập hoàn toàn nhưng sẽ được Vietnam Airlines hỗ trợ để thành một phần không thể thiếu được trong chuỗi sản xuất kinh doanh của mình.
Thông báo: Mặc dù có sự chuyển đổi tên của Jetstar Pacific, Vòng Tròn Số vẫn bảo lưu mọi quyền lợi và nghĩa vụ với quý khách hàng đã, đang, và sẽ mua vé của chúng tôi vì quyền lợi đại lý của Vòng Tròn Số không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này của Jetstar Pacific.
Nguyễn Thị Mai, 06/07/2020